Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Kế đã hơn 600 năm, lưu truyền từ đời này nối tiếp đời kia cho đến ngày nay. Người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu.
Từ những nguyên liệu chính trên quê hương như lạc, vừng, gạo nếp... bằng phương thức truyền thống, những người làng Kế đã tạo ra sản phẩm ẩm thực mang đặc trưng của quê hương mình. Để làm ra được những chiếc bánh đa thơm ngon, giòn tan và đậm đà người làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn: Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon hạt tròn, mẩy, có mùi thơm sữa, sau đó cho vào ngâm với nước chừng 2 - 3 tiếng đồng hồ và xay nhuyễn thành bột; các nguyên liệu khác như vừng, lạc… cũng được lựa chọn cầu kỳ.
Ngoài ra, một trong những kỹ thuật tạo nên sự độc đáo của bánh đa Kế đó là kỹ thuật tráng bánh, khi lớp bánh đầu vừa ráo, người thợ tiếp tục tráng tiếp một lớp bánh khác. Các thợ làm bánh chủ yếu tráng bánh vào buổi sáng sớm nhằm tận dụng nhiều nhất thời gian nắng để phơi bánh. Phơi bánh dưới ánh nắng mặt trời sau khi tráng là một công đoạn quan trọng, giúp cho bánh đa Kế có được hương vị thơm ngon đặc biệt. Người dân làng Kế phơi bánh vừa được tráng lên bằng giàng tre. Công đoạn này phải đặc biệt chú ý sao cho độ ẩm trong bánh thoát đi vừa đủ, nếu bánh khô quá sẽ bị nứt vỡ ngay trên giàng tre; nếu bánh còn nhiều ẩm thì sẽ dễ bị ẩm, mốc, kém chất lượng.