Ngày còn nhỏ, mỗi lần mẹ tôi đội lên đầu thúng gạo đã làm sạch rồi men theo lối đi nhỏ vòng quanh mấy quả đồi để đem lên trang trại cho ông bà nội thì tôi cũng vội vàng chạy theo dù đang chơi hay làm gì. Mẹ quay lại lấy cái nón mê gác trên vách đưa tôi đội rồi mẹ tất tả bước đi. Tôi phải vừa đi vừa chạy mới không bị mẹ bỏ một quãng xa.
Tôi thích theo mẹ lên trang trại của ông bà nội vì con đường quanh co chạy vòng quanh chân đồi có rất nhiều quả rừng ăn được. Mùa nào thứ nấy, khi thì những quả sim, quả mua căng tròn chín mọng ngọt lịm. Có khi là những quả dưa dại, những quả chuối rừng hấp dẫn tôi ghê gớm. Còn hoa dại hai bên lối đi thì nhiều vô kể, những bông ké màu tim tím phơn phớt nhỏ xíu, quả của chúng bám đầy vào gấu quần như những con vật nhỏ bám chặt lấy những gì chúng chạm phải, lì lợm nhưng cũng ngộ nghĩnh. Và thích nhất là khi lội qua con suối cạn, những hòn đá trơn nhẵn nhiều màu sắc nằm dưới lòng suối giống như một thế giới khác, mà mỗi hòn đá là một tâm hồn bí ẩn.

Ngôi nhà của ông bà nội nằm sát chân đồi được làm từ những cây gỗ, cây tre ông đốn trên rừng từ lâu lắm. Ấy là tôi nghe mẹ kể thế chứ tôi cũng không rõ lâu lắm là từ khi nào. Xung quanh ngôi nhà là những nương sắn, nương ngô, nương chè và một chòi canh ở lưng chừng đồi. Đêm đêm ông thường lên chòi canh nằm. Mẹ bảo ông canh thú về bắt gà, phá nương. Tôi nhìn lên chòi canh thấy chỉ toàn là gió nên thầm nghĩ chắc ông lên đó nằm canh gió. Lúc đó ông bà nội tôi đã chừng tám mươi tuổi nhưng còn khỏe lắm. Ông nội cao to, dáng đi thẳng, khuôn mặt phương phi. Bà nội tuy lưng hơi còng nhưng tóc bà vẫn đen nhánh. Màu đen ấy cũng bí ẩn như những ngọn đồi trên kia tôi chưa đặt chân đến.
Trang trại của ông bà ở xa làng và nằm biệt lập ở chân đồi nên rất ít người qua lại. Bố mẹ tôi đã nhiều lần thuyết phục ông bà xuống làng ở vì có tuổi rồi nhưng ông bà nhất định không nghe. Những lần mẹ tôi xay lúa, đội gạo lên cho ông bà, khi ra về tôi đều thấy gương mặt mẹ buồn buồn, có lần mẹ còn lén lau nước mắt. Không ít lần tôi thấy ông bà mắng mẹ bằng những câu gì đó mà tôi không còn nhớ rõ. Còn mẹ lẳng lặng đổ gạo vào chiếc chum sứ màu nâu rồi lại cắp thúng về làng. Tôi nghĩ chắc ông bà mắng mẹ cũng như những lần mẹ mắng tôi nghịch dại mà thôi. Có lần tôi tò mò hỏi mẹ:
-Mẹ ơi, mẹ đã lớn rồi sao ông bà còn mắng mẹ?
Mẹ nhìn tôi cười buồn rười rượi:
-Với cha mẹ thì mọi đứa con đều là bé nhỏ con ạ. Thế nên sau này dù con có lớn thì với mẹ con cũng vẫn bé bỏng lắm.
Dọc đường về mẹ chỉ cho tôi thấy những ngọn đồi xa xa với những cái tên nghe dân dã mà cũng đầy bí ẩn như Đồi Hầm, Chín Chôm, Ao Voi, Hố Nai, Dốc Rụt. Những cái tên và những ngọn đồi đã in vào tâm trí tôi, có nhiều đêm trong giấc mơ tôi thường thấy mình đặt chân lên những ngọn đồi đó để kiếm tìm một điều gì không rõ. Những ngọn đồi vừa như một niềm mơ ước chinh phục vừa như một ranh giới, một đỉnh cao mà tôi không thể chạm vào. Và từ bao giờ những hình ảnh đó đã hóa thành một giấc mơ xanh thẳm trong lòng tôi.
***
Tôi lớn lên một chút, bố đi làm ăn xa vì những vụ mùa thất bát. Tôi bắt đầu biết giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, không còn cùng lũ trẻ hàng xóm nghịch đất cát hay chơi đồ hàng ngoài ngõ. Công việc tôi thích nhất là lùa mẹ con con Vàng lên khu trại của ông bà nội để chăn. Khi đó tôi cũng có nhiều thời gian gần gũi với ông bà hơn, ký ức về những lần ông bà mắng mẹ tôi cũng phai mờ dần trong tâm trí mau quên con trẻ. Tôi mê mẩn chạy theo ông từ nương sắn qua đồi chè rồi lên chòi canh. Những công việc ông làm đều thu hút tôi, tôi luôn miệng hỏi ông về những công việc ấy. Nhưng tôi thích nhất là những lần theo ông đi đặt bẫy thú. Từ những thanh tre, trúc ông chẻ ra rồi khéo léo làm thành những chiếc bẫy nhỏ xinh. Tôi hỏi ông:
- Ông ơi, chiếc bẫy nhỏ như thế này liệu có bẫy được thú không ông?
- Bẫy nhỏ nhưng chắc chắn và rất sắc cháu ạ. Chỉ cần gà rừng, sóc, chồn chạm vào là sẽ bị bắt ngay.
- Nhưng sao cháu thấy ông đặt nhiều bẫy vậy mà chúng không bị bắt bao giờ?
Ông tôi dừng tay làm, ông nhìn tôi, nhìn những chiếc bẫy, rồi ông nhìn lên những ngọn đồi xanh thẳm xa xăm. Tôi vô tư nhắc lại câu hỏi của mình mà đâu thấu hiểu nỗi buồn trong mắt ông tôi . Mãi về sau tôi mới ân hận về sự vô tư ấy. Sau một hồi im lặng ông xoa đầu tôi bảo:
- Cháu có hay chơi trò trận giả không? Ông đặt bẫy thú cũng như cháu chơi trò chơi vậy.
Nghe ông nói vậy tôi chợt nghĩ, thì ra người già cũng có những trò chơi của họ. Có điều trò chơi này của ông tốn công quá. Nhưng mà tôi rất thích chơi cùng ông. Tôi theo ông đi tìm những lối có bước chân lạ, nhỏ với đủ mọi hình thù. Ông nhẹ nhàng đặt những chiếc bẫy xuống rồi khéo léo ngụy trang lại bằng cỏ. Những lúc ấy ông thường dặn tôi im lặng. Ông làm công việc ấy giống như một nghi thức vậy. Mặc dù rất tò mò nhưng nhìn vẻ mặt của ông tôi không dám hỏi gì thêm. Xung quanh ông cháu tôi là một màu xanh thâm u, huyền bí và vĩnh cửu. Sự im lặng của rừng núi vừa khiến người ta sợ hãi nhưng cũng nhen lên trong trí tưởng một niềm đam mê khôn cùng. Có phải vì thế mà ông tôi bao nhiêu năm tháng cuộc đời chỉ muốn gắn bó với nơi đây.
Tôi nhớ bà tôi thường nấu ăn bằng những chiếc niêu đất màu vàng nâu nhỏ xíu. Khi ăn tôi luôn nghĩ liệu ông bà và tôi có bị đói không khi những chiếc niêu quá nhỏ. Hay đó là chiếc nồi Thạch Sanh trong truyện cổ tích mẹ kể. Bằng cách nào đó mà bà lấy đủ cơm cho tôi ăn no căng bụng, còn tôi cứ nhìn mãi vào đáy chiếc niêu đất bé chừng như không đủ hai lần xới cơm. Và tôi chợt thấy đó chính là chiếc niêu không đáy, còn bà giống như bà tiên có phép vậy. Niêu cơm của bà đã nuôi tôi suốt thời ấu thơ nghèo đói. Và hình ảnh ấy đã góp phần làm xanh thêm miền ký ức của tôi về khu trang trại của ông bà và làm cho những năm tháng ấy như những trang cổ tích.
***
Tôi đi học. Chữ nghĩa dắt tôi đi xa hơn con đường vòng quanh những quả đồi để đến khu trại của ông bà nội. Chỉ ngày cuối tuần tôi mới có thời gian chăn bò. Mẹ con con Vàng quen đường đi không cần phải dắt. Khi tôi mở cửa chuồng là chúng đi thẳng một mạch ra con đường mòn ven các quả đồi để lên trang trại. Lúc chúng gặm cỏ ven sườn đồi cũng là lúc tôi leo lên chòi canh của ông nội ngồi đọc sách. Có những lúc tôi bước vào thế giới của sách vở mà quên bẵng đi khu trại xinh đẹp nơi chân đồi từng là cả thế giới tuổi thơ tôi. Tôi đắm đuối với những vùng đất lạ. Những câu thơ hay, những câu chuyện lạ như đưa tôi đến một chân trời khác để rồi không nghe thấy tiếng bà gọi tôi bên kia đồi đến khàn giọng.
Lúc tôi chạy xuống đến nương thì con Vàng đã ăn gần hết những cây sắn đang độ lên xanh. Trong khi tôi còn đang sợ bà sẽ mắng vì nương sắn bị phá thì con Vàng mắt đã trợn ngược, bọt mép sùi, bụng trương to và nó ngã vật ra nương. Lúc đó con Vàng hiền lành của tôi giống như một con thú bị thương. Con bê con sợ hãi kêu những tiếng hoảng loạn. Tôi nào khác chú bê con kia trong nỗi sợ hãi ấy. Bà tôi cũng bất lực nhìn con Vàng vật vã rồi chết đi vì say sắn. Ông tôi trở về từ những ngọn đồi trên kia, tay cầm nắm bẫy, ông im lặng nhìn con Vàng nằm đó. Hồi lâu sau ông châm lửa đốt sạch tất cả những chiếc bẫy mà ông có. Ngọn lửa bén nhanh vào những thanh tre trúc. Gió thổi làm ngọn lửa bùng lên những hình thù như muôn vạn con thú nhỏ đang nhảy múa, hát ca trong lửa. Tôi thấp thoáng thấy cả hình ảnh con Vàng đang vật lộn trong đó. Ngọn lửa như tái hiện, như hóa thiêng điều gì bí ẩn. Sau cơn sợ hãi tôi chợt rùng mình trước đại ngàn xanh bao la, chỉ có tiếng gió lẫn tiếng bê con gọi mẹ.

Ông nội tôi về cõi vĩnh hằng vào một đêm nhiều gió trên chòi canh. Mộ ông ở ven chân đồi, nơi mà suốt cả cuộc đời ông đã gắn bó. Ông ẩn mình vào màu xanh bất tận của núi đồi. Cha tôi đặt xuống mộ ông cây cung cũ kỹ hằng ngày tôi vẫn thấy trên gác bếp. Mỗi lần bà nội thổi cơm là thêm một lần khói ám vào nước gỗ màu của thời gian. Người làng rủ nhau lên khu trại để đưa tiễn ông tôi. Nhìn thấy cây cung họ xì xào kháo nhau về cây cung huyền thoại nào đó mà tôi không rõ lắm. Họ chen nhau lên để tận mắt nhìn cây cung trước khi nó bị lấp sâu vào lòng đất. Tôi nghĩ nó chỉ là một cây cung bình thường được làm bằng gỗ sao người ta phải tò mò đến thế. Khi mộ ông tôi xanh cỏ thì bà tôi xuống làng ở cùng cha mẹ tôi. Lúc đó tôi cũng đã đi học cấp ba. Bà tôi không còn mắng mẹ nữa, bà lặng lẽ ra vào quét tước nhà cửa, vườn tược tinh tươm. Chiều chiều bà ra chái nhà nhìn lên phía khu trại cũ, nơi ông tôi yên nghỉ. Màu xanh của núi đồi xa xa lẫn vào màu tóc đen nhánh nhưng nhức của bà lúc trời chiều chạng vạng.
Rồi tôi cũng dần xa những buổi chiều nhìn bà lẫn vào bóng hoàng hôn. Mỗi bận đi học về thăm nhà tôi lại thấy bà nội già đi một chút dù vẻ đẹp của bà vẫn làm tôi nhớ đến bà tiên cùng chiếc nồi không đáy trong tưởng tượng con trẻ năm nào. Bà tôi giống như bông hoa rừng qua thời rực rỡ vẫn giữ được nhụy, cánh và hương thơm. Bông hoa ấy chỉ héo khô dần đi chứ không tàn. Rồi bông hoa ấy cũng cạn kiệt nhựa sống để chọn một ngày rụng vào lòng đất. Đêm trước ngày đưa bà về cạnh ông nơi chân đồi cha tôi khóc nhiều lắm. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cha khóc. Rồi cha kể cho tôi nghe câu chuyện nhiều năm về trước.
Ngày cha muốn cưới mẹ về làm vợ, nhà ngoại biết ông nội tôi là thợ săn có tiếng nhất vùng nên đã thách cưới một con lợn rừng. Nhưng xưa nay ông nội tôi chỉ săn thú nhỏ như chồn, cáo, sóc, chim. Gặp thú lớn ông thường tránh dù ông thường mang bên mình cây cung từ đời trước để lại. Nghe nói cây cung ấy đã từng bắn được cả hổ, hươu, lợn. Ông bảo thú lớn là sự linh thiêng của rừng nên kiêng kỵ. Nhưng rồi vì lễ cưới của cha tôi nên ông đã bước qua điều kiêng kỵ đó. Sau nhiều đêm phục kích ông đã dùng cây cung bắn được một con lợn rừng rất lớn làm lễ cưới cho cha mẹ tôi. Cả làng đến ăn thịt lợn rừng để mừng đám cưới to nhất xưa nay. Mọi người vui vẻ chúc tụng. Ông ngoại tôi hoan hỉ. Chỉ không ai thấy nỗi buồn thăm thẳm trên khuôn mặt ông nội tôi. Sau đám cưới cha mẹ tôi, ông nội không còn săn bắn được con thú nhỏ nào nữa, dù là một con chim con. Tin đó đồn đại khắp vùng khiến ông bà tôi không muốn về làng sống. Đó cũng chính là lý do mà sau này ông bà nội luôn mắng trách mẹ tôi. Tôi chợt giật mình nhớ lại, lần con bò Vàng chết đi bà nội tôi bảo: Thôi, xem như là một cách trả nợ thần rừng.
Bây giờ khu trại của ông bà nội tôi đã không còn dấu vết ngày xưa. Mộ ông bà nội cũng đã được đưa về làng. Nơi ấy chỉ còn lại gió thổi vi vút trên những đồi bạch đàn như kể huyền thoại của vùng đất này. Núi đồi vẫn xanh thăm thẳm một màu huyền bí. Màu xanh cất giữ những bí mật, những câu chuyện của người xưa. Tôi trở về sau mỗi bận đi xa vẫn không quên những năm tháng ấu thơ giữa đại ngàn. Tôi tin vào sự thiêng liêng và cả lòng bao dung của rừng xanh. Dù bao nhiêu năm qua nơi ấy chỉ là một màu xanh im lặng.