Hiện trạng phê bình Văn học đương đại

Trần Vũ Long

Mấy chục năm qua, chúng ta đã nêu vấn đề này rất nhiều lần nhưng trên thực tế, nền văn học nói chung và phê bình văn học nói riêng vẫn không có mấy khởi sắc. Bản thân từ “đổi mới” và “giải pháp” xem ra vẫn còn khá chung chung, mơ hồ. Nó chỉ có giá trị định tính mà không có giá trị định lượng.

asach-2135-1398064505-1700533934.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nói một cách nôm na, phê bình văn học là loại hình “ăn theo” tác phẩm văn chương. Có bột mới gột nên hồ. Hai lĩnh vực này liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau trở thành cái tổng thể chính là diện mạo văn học thời đại.

Có nhiều kiểu phê bình như phê bình xã hội học ý thức hệ, phê bình lấy nhà văn làm trung tâm, phê bình trên nền tảng văn bản văn học, phê bình khuynh hướng văn học, phê bình văn hóa học v. v… Theo cá nhân tôi, trong vài kiểu vừa liệt kê, không có sự so sánh hơn kém giữa kiểu này kiểu kia mà chất lượng bài viết mới là điều đáng quan tâm. Hãy lấy “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân làm ví dụ. Đây là kiểu phê bình ấn tượng xã hội học, nghĩa là tác giả phát biểu quan điểm của mình bằng trực cảm, không hề vận dụng lý thuyết phê bình văn học hiện đại với những tư tưởng học thuật cao siêu, vậy mà cuốn sách sống mãi trong lòng nhiều thế hệ người đọc.

Cho nên, điều cốt yếu với người phê bình là phải có nhãn quan thấu thị. Người ấy chưa hẳn đã là chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trong trường ốc, mà cái chính là họ biết cách đọc tác phẩm, tìm được từ khóa chính xác giải mã ngôn ngữ nghệ thuật. Bài viết phải tạo được tính HẤP DẪN với bạn đọc. Muốn vậy, nhà phê bình, ngoài kỹ năng diễn đạt ý tưởng thành văn bản còn phải có cảm xúc chân thành, đồng điệu với người sáng tác. Viết phê bình mà cảm xúc hời hợt chỉ cho ra những bài điểm sách nhạt nhẽo, vô bổ.

Muốn bài phê bình hay đương nhiên phải có tác phẩm văn chương hay. Điều mà bất cứ người cầm bút nào cũng hiểu, nhưng làm được chuyện này không dễ chút nào. Một nền văn học đám đông, mỗi năm hàng vạn cuốn sách đủ loại từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đến tản văn cứ na ná giống nhau liên tục xuất xưởng chỉ với mục đích tự sướng thì làm sao có được tác phẩm đỉnh cao.

Về số lượng, chúng ta có khá nhiều “nhà” phê bình, nhưng không ít bài phê bình trên các báo, tạp chí văn chương hiện nay vô thưởng vô phạt, hầu như người viết không lấy tác phẩm văn học làm đối tượng. Có những cuốn sách hay, đáng đọc, rất cần đến với công chúng thì bị ghẻ lạnh, ngược lại, cũng không ít cuốn dở được tâng bốc lên tận mây xanh. Là vì từ lâu, văn chương đã hình thành các nhóm lợi ích liên quan đến yếu tố kinh tế. Có một sự móc xích nhịp nhàng bất thành văn giữa những cây bút phê bình với dàn biên tập, giới lãnh đạo văn nghệ và báo chí nhằm gia tăng nhuận bút. Cho nên, không lạ gì có nhiều bài gọi là phê bình nhưng thực chất chỉ ở dạng điểm sách thô thiển xuất hiện trên các tờ báo hay tạp chí văn chương. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chúng lạnh nhạt chẳng những với thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn mà người ta còn đặc biệt dị ứng với phê bình văn học.

Lại nữa, một hiện tượng rất phổ biến hiện nay là có “độ vênh” đáng kể giữa bài phê bình và tác phẩm được phê bình. Cái sự ông chằng bà chuộc ấy chẳng khó nhận ra khi ta cầm lên tay bất cứ cuốn tạp chí có dấu ấn văn chương nào. Ở trường hợp thứ nhất người phê bình không “đọc vị” được tác phẩm mà chỉ viết theo công nghệ bình tán rông dài thậm chí lạc đề ra ngoài văn bản. Kiểu phê bình này tất yếu sẽ làm hỏng tác phẩm.

Trường hợp thứ hai là tác phẩm kém chất lượng, chỉ thuộc đẳng cấp câu lạc bộ nhưng tác giả lại là ông a b c… có mối quan hệ rộng với các nhà phê bình. Vậy là nhà phê bình ấy, muốn trục lợi (đôi khi rất nhỏ thôi) đành tặc lưỡi bẻ cong ngòi bút biến quạ thành công.

Cũng cần nói rõ hơn, cả hai “phương pháp” phê bình này đều triệt để sử dụng “văn mẫu” áp dụng vào bất cứ tác phẩm nào cũng được. Với kiểu bình tán, bài càng dài, từ ngữ càng mùi mẫn càng tăng sức hấp dẫn. Lúc ấy người đọc chỉ chú ý đến tiểu tiết mà quên đi cái tổng thể, thưởng thức giá trị ảo mà quên giá trị đích thực. Còn với lối phê bình học thuật, các cây bút trẻ hiện nay đã có những bạn dùng “dao mổ trâu để cắt tiết gà”. Nghĩa là, với bất cứ tác phẩm nào, tác giả cũng vận dụng lý thuyết phê bình văn học hiện đại, trích dẫn nhiều nhận định của các nhà kinh điển như J. Derrida, V.I. Propp, M. Bakhtin, Y.M. Lotman, A. Akhmatova…, như một cách khoe kiến thức để soi chiếu vào những tập thơ hay cuốn tiểu thuyết chỉ ở mức làng nhàng. Đọc một hai bài có vẻ ấn tượng, nhưng đọc cả loạt bài thì nhận ra ngay, tất cả đều có nguồn gốc từ “văn mẫu” trong các giáo trình đại học chuyên ngành lý luận phê bình mà ít khi có sự lao động phân tích mổ xẻ cuốn sách trên tinh thần khoa học.

Hậu quả của việc phê bình văn mẫu ấy là làm thay đổi các thang giá trị, gây nhiễu loạn nhận thức thẩm mỹ của công chúng, khiến bạn đọc hoang mang, khó phân biệt hiện tượng thật giả trong nền văn học đương đại.

Hoàn Nguyễn