Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra với 3 sự kiện: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi, dự kiến tổ chức vào sáng ngày 9/11/2023 với khoảng 100 đại biểu là các nghệ nhân, thợ giỏi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Cụ thể, lễ khai mạc Festival dự kiến tổ chức vào tối ngày 9/11/2023 tại Hoàng thành Thăng Long với khoảng 300 đại biểu gồm Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ngành, thành phố Hà Nội và địa phương…; Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng trưng bày được thiết kế đặc biệt nhằm giới thiệu các sản phẩm đến từ 42 tỉnh, thành phố trên cả nước và các sản phẩm đến từ các nước Lào, Indonesia, Thái Lan…
Ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, sử dụng và phát huy các nguồn lực về lao động, vốn và các nguồn lực khác trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn.
Khác với các năm trước, Festival năm nay ngoài các hoạt động hưởng ứng Festival do Bộ NN&PTNT chủ trì và phối hợp thực hiện còn có các hoạt động hưởng ứng do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện như: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch – thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc – Sắc màu Hội nhập”; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 và Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm…